Tôi mượn câu hát cho đề từ của bài viết này, bởi tháng Ba, muôn ngàn hoa lá tưng bừng vũ khúc của mùa xuân-mùa sinh sôi đầy tràn nhựa sống, và chúa xuân lộng lẫy là nguồn hứng cảm vô tận cho nghệ thuật, nên không mấy ai để ý đến những chú ong nâu đang lặng lẽ, cần mẫn hút nhuỵ hoa, cho đời dòng mật thơm ngon.
Cả một dải đất bãi ven sông Hồng bạt ngàn hoa nhãn trắng ngà thơm man mát, nhưng cữ này, đi bất cứ xóm làng nào của vùng đất Hiến Nam, bạn đều thấy những ngôi nhà bé xíu của bầy ong dưới gốc nhãn cổ thụ xù xì bạc nắng mưa. Những người chăn nuôi ong lấy mật thuộc bầy ong như thuộc lòng bàn tay. Và họ dịu dàng chăm sóc đàn ong, nâng niu các bác ong thợ, ong chúa... như nâng trứng vậy. Ngắm đôi chân bé tí xíu của bác ong mang về đầy phấn hoa, mới thấy thiên nhiên kỳ lạ và hoàn hảo làm sao! Bao nhiêu lượt bay đi bay về của đàn ong mang về những túi phấn như hạt tấm mới đủ cho một lần kéo mật? Có lẽ người nuôi ong cũng không sao đếm được.
Đi trong màu xanh ngút ngát của đất nhãn lồng đang vào mùa ong đi lấy mật, lại nhớ hình dáng của những cô Na, cô Tý, mắt bồ câu đen láy trong như nước giếng làng, thon thả trong áo nâu non, e ấp mối tình đầu dưới bóng nhãn xanh om trong tác phẩm Nhãn đầu mùa mà tôi đã ghiền từ những đêm thắp đèn dầu tù mù tránh bom B52 của Mỹ. Những giọt nước mắt của tuổi trăng rằm cảm phục sự hi sinh anh dũng của người thiếu nữ lăn xuống gối… Ngày ấy, tôi chưa biết đó là điều kỳ diệu của văn học bồi đắp tâm hồn con người. Nhưng dù đã 40 năm trôi đi, tôi vẫn không sao quên được những xúc cảm nhận thức đã nâng đỡ tôi khi đọc Nhãn đầu mùa, và tìm thấy ở đó ánh lửa của niềm tin tưởng vào ngày chiến thắng khi cha tôi đang ở xa tôi ngàn dặm trên đường Trường Sơn lởm chởm đá tai mèo với ba lô và khẩu súng B40 nặng trĩu vượt dốc.
Nay đất nhãn lồng có rất nhiều cháu của cô Na, cô Tý cần cù, dịu dàng, xinh đẹp, ngày đêm chăm cây, nuôi ong lấy mật. Phù sa sông Hồng bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ, cho nhãn lồng đã hơn 400 năm bén duyên với Hiến Nam- Hưng Yên vẫn thuỷ chung với đất, với người, và khi đưa giọt mật đặc quánh, vàng dịu màu hổ phách lên môi, sẽ đọng lại vị thơm say của đất, của hoa, của tình người chân chất mộc mạc mà thắm đượm muối mặn gừng cay.
Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật, mùa thức dậy sức sống kỳ lạ và giao hòa của thiên nhiên và con người. Chị tôi loay xoay che mái cho ong khỏi dột “nhà” và cười hồn nhiên bảo: Cô xem, cháu cô, anh chàng Thuần, Hưng, cao như cái sào, hồi bé được ăn mật ong từ lúc quấy bột, chẳng có đường sữa gì mà lớn phổng phao… Tôi tròn xoe mắt: Cái thời gạo châu củi quế năm tám sáu, tám bảy, có mật ong nuôi con là nhất rồi chị ạ. Chị nói mà như truyền cả đời người gắn bó với đồng đất quê hương: “Quê mình, cái gốc nhãn lồng không bỏ đi đâu được. Đất mỗi quê một tạng, người mỗi nhà một nếp, đố em mang nhãn lồng từ quê mình sang trồng ở quê khác mà thơm ngon được bằng đấy. Thế nên mật ong Hưng Yên nổi tiếng từ xưa đến nay phải từ đất mà nên cây, nên hoa em ạ”.
Đàn ong thợ ùa về tổ, những chú ong nâu giản dị, khiêm nhường, bé bỏng như một chấm nâu so với thiên nhiên bao la, bọng phấn màu ngà bé tẻo teo.
…Nhìn chúng, ngẫm lại lời chị nói, bỗng nhói lòng xót xa thấy cuộc sống mà chúng ta đang sống, đang xây, đang phấn đấu cho mỗi ngày hiện đại văn minh hơn mà ẩn chứa bao điều nhức nhối của thói vô cảm, bạo hành, phù phiếm, bon chen… mất dần đi nết giản dị khiêm nhường như loài ong lặng lẽ… Những cánh ong nâu nhòa đi trong ánh chiều, chỉ còn dòng mật lấp lánh sáng, tỏa hương thơm nguyên khiết ngọt ngào…
Nguyễn Quang Dũng