Từ TP. Sơn La, theo tỉnh lộ 106 khoảng 40km về phía đông bắc đến thị trấn Ít Ong; vượt qua con đèo Sam Síp ở độ cao hơn 2.000m, dài khoảng 40km quanh co luồn trong mây ngàn với một bên là bạt ngàn rừng cây, đồi núi trập trùng, một bên là vực sâu, rồi đi tiếp qua cây cầu bắc qua suối, du khách sẽ tới xã Ngọc Chiến.
Ngoài khí hậu ôn đới, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa nơi đây cũng rất phong phú, thể hiện rõ qua kiến trúc nhà ở. Xã có khoảng 1.680 hộ, gồm các dân tộc Thái, Mông, La Ha, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Nhà sàn của người Thái được làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu với kiến trúc đầu đón, đầu xà, kèo cột tinh xảo. Nhà có 1 tầng, 4 mái và một lầu tứ giác nhỏ ở trên bên trái. Nhà được bố trí ngăn nắp, chia thành nhiều gian. Từ nhà này sang nhà kia đều có lối đi kiểu ô bàn cờ. Đây là kiểu bố trí nhà ở khác hẳn so với các bản người Thái khác ở Tây Bắc.
Con đường đi từ Mường La vào Ngọc Chiến |
Khung cảnh Ngọc Chiến luôn mang một gam màu trầm. Cho dù trời nắng đẹp ở khắp các vùng khác của tỉnh Sơn La, thế nhưng chỉ cần đi qua con đèo Sam Síp sang Ngọc Chiến là trời đã se se lạnh, mây trắng giăng mắc, bao phủ khắp núi, đồi, cánh đồng. Từ đầu xã đến cuối xã, từng nếp nhà sàn 4 mái bằng gỗ pơ mu nằm nối tiếp nhau, ngả màu rêu xanh.
Ngọc Chiến được ví như Đà Lạt của Tây Nguyên, Sa Pa của Tây Bắc, bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, khiến cỏ cây tươi tốt, tràn đầy nhựa sống. Ngọc Chiến có khoảng 12.000ha rừng nguyên sinh, đa phần là pơ mu. Pơ mu nằm trong danh sách Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996, thân gỗ lá thường xanh, cao từ 25 đến 30m, sống ở vùng khí hậu mát mẻ, nhiều mưa. Gỗ pơ mu có tinh dầu thơm nên rất bền, không bị mối, mọt. Ngọc Chiến được coi là xứ sở của pơ mu, bởi không chỉ nhà sàn mà cả các vật dụng khác như: chậu, chum, vại, thùng, máng đựng nước, hàng rào…đều được người dân địa phương làm bằng gỗ pơ mu.
Ngọc chiến được bao phủ lớp may mờ |
Ngoài pơ mu, Ngọc Chiến còn nổi tiếng với lúa nếp Tan - một loại cây lương thực quý mà chỉ ở Ngọc Chiến mới trồng được. Cả cánh đồng Mường Chiến trải rộng hơn 6km², chủ yếu trồng lúa nếp Tan. Nếp Tan hạt to, tròn, rất dẻo và thơm. Việc thu hoạch nếp Tan rất khác biệt so với các loại lúa khác, chỉ hái từng bông chứ không dùng liềm cắt. Nơi đây cũng trồng rất nhiều loại hoa quả như: táo mèo, đào, mơ, mận, cà chua, hoa tuylip, hoa ly, hoa loa kèn, lay ơn, hồng. Riêng táo mèo, mỗi năm, Ngọc Chiến cung cấp cho thị trường trên 1.000 tấn.
Thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho Ngọc Chiến nhiều cảnh đẹp, có tiềm năng để phát triển du lịch chữa bệnh như: suối nước khoáng nóng ở bản Lướt, bản Đớt; mó nước ở bản Khau Vai giúp phục hồi sức khỏe…
Ngoài khí hậu ôn đới, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa nơi đây cũng rất phong phú, thể hiện rõ qua kiến trúc nhà ở. Xã có khoảng 1.680 hộ, gồm các dân tộc Thái, Mông, La Ha, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Nhà sàn của người Thái được làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu với kiến trúc đầu đón, đầu xà, kèo cột tinh xảo. Nhà có 1 tầng, 4 mái và một lầu tứ giác nhỏ ở trên bên trái. Nhà được bố trí ngăn nắp, chia thành nhiều gian. Từ nhà này sang nhà kia đều có lối đi kiểu ô bàn cờ. Đây là kiểu bố trí nhà ở khác hẳn so với các bản người Thái khác ở Tây Bắc.
Người Mông cư trú trên các sườn núi cao nên ở nhà trình tường bằng đất, lợp mái ngói hoặc lợp tranh nhằm hạn chế tác động của gió, bão. Nhà có cột thấp, quá giang thông thủy, kèo tuột, lịa ván, các gian thông nhau, mái và các cửa nhà làm bằng gỗ pơ mu.
Khác với nhà của người Thái, Mông, nhà sàn của người La Ha có hai kiểu kiến trúc: Kiểu nhà ở tạm của nhóm người sống du canh, du cư với hai đầu hồi mái nhà lượn tròn theo bầu dục, dài ra hai bên như hình hàm lợn và kiểu nhà ở lâu năm của nhóm người sống định canh, định cư với hai đầu hồi mái tròn khum hình mai rùa. Bên trong nhà được chia làm hai gian, một gian để tiếp khách, gian kia dành cho gia đình chủ nhà. Ngăn giữa hai gian là cây cột nhà và một hũ rượu cần.
Cùng với kiến trúc nhà sàn, các nghề truyền thống (xe tơ, dệt vải, đan lát của người Thái; dệt, may, thêu thổ cẩm của người Mông); lễ hội gội đầu của người Thái, hội Gầu tào của người Mông, hội dâng hoa măng của người La Ha cùng trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng của các dân tộc, đặc biệt là phương pháp chữa bệnh bằng các bài thuốc dân tộc đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho Ngọc Chiến.
Nhằm khai thác tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa phong phú của Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La đã phối hợp với người dân Ngọc Chiến xây dựng nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Tại bản Lướt, hiện đã có bể tắm khoáng nóng; bản Đớt có nhiều phòng tắm khoáng nóng cá nhân dựng bằng gỗ pơ mu. Ngoài ra, khách có thể tắm miễn phí tại mó nước ở bản Khau Vai, suối Chiến ở bản Mường Chiến, tìm hiểu các nghề truyền thống của người Thái, Mông, La Ha…
Đến với Ngọc Chiến, du khách có thể ở cùng bất cứ gia đình nào, được gia chủ đón tiếp như khách quý, cùng làm các công việc hàng ngày và thưởng thức những món đặc sản địa phương như: rượu cần, rượu táo mèo, xôi nếp Tan, xôi sắn, cơm lam, thắng cố, thịt nướng, cá nướng, rau cải mèo…
Tiềm năng du lịch ở Ngọc Chiến là lợi thế để người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Điều này không những góp phần nâng cao đời sống mà còn tạo nền tảng vững chắc để người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.