Theo các số liệu thống kê thì hiện nay huyết áp thấp chiếm khoảng 5-7% dân số người trưởng thành. Trước đây huyết áp thấp thường chỉ tập trung nhiều ở phụ nữ (tỷ lệ mắc gấp khoảng 30 lần nam giới), những người có thể chất gầy còm, lao lực.
Ngày nay, huyết áp thấp trong mối liên hệ với cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, khuynh hướng lạm dụng hoá chất đã chen chân vào danh sách các bệnh thời đại và trở thành mối đe doạ không trừ một ai.
Huyết áp thấp là khi huyết áp tối đa dưới 90mmHg, huyết áp tối thiểu dưới 50mmHg (< 90/50). Bệnh nhân ý thức lơ mơ hoặc mất hoàn toàn do thiếu oxy não. Nguyên nhân đôi khi chỉ do quá xúc động, như trông thấy tai nạn, chảy máu hoặc đau khi tiêm, nhổ răng.
Huyết áp thấp đột biến
Triệu chứng
Huyết áp đang bình thường hay cao từ trước, nay hạ xuống đột ngột (hạ chừng 30-40mmHg). Trường hợp này thường là do một bệnh lý. Hạ huyết áp đột ngột gây ra tình trạng suy tuần hoàn cấp. Huyết áp có thể rất thấp hoặc mất, mạch nhanh, nhỏ hoặc không bắt được. Ý thức lơ mơ hoặc mất hoàn toàn do thiếu oxy não.
Các mức độ suy tuần hoàn từ nhẹ đến nặng như sau:
1. Khó tập trung và dễ nổi cáu
2. Hoa mắt chóng mặt, choáng váng, xây xẩm, thoáng ngất, nằm xuống một lúc thấy đỡ. Mệt mỏi, lả và rất muốn được nghỉ ngơi.
3. Thở dốc nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng.
4. Ngất: xảy ra nhanh, mất ý thức, ngừng thở, ngừng tim rồi phục hồi nhanh chóng.
5. Truỵ mạch: xảy ra đột ngột, ý thức lơ mơ, huyết áp hạ, mạch nhanh, nhỏ. Thường gặp ở các bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh tim mạch giai đoạn nặng.
6. Sốc: xảy ra từ từ, mạch nhanh, huyết áp hạ, trán vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh.
7. Chết đột ngột: là tình trạng không có huyết áp, không mạch. Không hồi phục mặc dù cấp cứu hồi sức tốt.
Nguyên nhân
Cường phó giao cảm: còn gọi là cường phế vị, người xanh xao, mệt mỏi, hay ngáp, nhịp tim chậm. Huyết áp hạ đột ngột xảy ra khi lo sợ, khi quá xúc động, như trông thấy tai nạn, chảy máu hoặc đau khi tiêm, khi nhổ răng...
Một số bệnh tim mạch: viêm cơ tim cấp, nhồi máu cơ tim, viêm tim toàn bộ... Nhồi máu cơ tim thường có cơn đau thắt ngực dữ dội hoặc có cảm giác nằng nặng trước ngực từ lâu, làm điện tâm đồ sẽ thấy có tổn thương điển hình.
Chảy máu cấp: do chấn thương vỡ tạng đặc biệt (gan, lách, thận) do xuất huyết nội như chảy máu dạ dày tá tràng, chảy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, ho ra máu, vỡ thai ngoài dạ con...
Mất nước nhiều: do tiêu chảy, nôn liên tục.
Hạ đường huyết: Do suy giảm glucoza. Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2.5mmol/l, bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi. do bị đói, dùng quá liều thuốc điều trị đái tháo đường. Bệnh nhân cảm thấy chân tay bủn rủn, chóng mặt, lờ đờ, buồn ngủ, trán vã mồ hôi.
Phản ứng thuốc hay sốc phản vệ: các loại kháng sinh penicilline, streptomycine, aspirin... Sốc có thể xảy ra tức thì hoặc muộn hơn vài giờ. Bệnh nhân thấy tê môi, người bứt rứt khó chịu, mắt có thể sưng húp, mạch nhanh. Không cấp cứu kịp thời có thể chết.
Sốc khi hút dịch: ở màng phổi, màng tim, màng bụng. Do hút tốc độ nhanh hoặc hút nhiều dịch trên bệnh nhân sẵn có cơ địa cường phế vị. Có khi chỉ mới chọc kim qua da, bệnh nhân đã thấy choáng váng, mặt tái nhợt, muốn nằm, vã mồ hôi trán, mạch nhanh.
Các trường hợp huyết áp hạ đột biến, cần xử trí rất khẩn trương để cứu sống người bệnh.
Huyết áp thấp liên tục
Huyết áp luôn luôn thấp hơn mức bình thường. Hiện tượng này thường gặp ở người có cơ địa huyết áp thấp và ở một số bệnh gây huyết áp thấp.
Huyết áp thấp tiên phát
Do cơ địa hay do cấu tạo của cơ thể và di truyền, thường xuyên có huyết áp thấp, nhưng không có trở ngại gì trong sinh hoạt. Loại này không có triệu chứng, không cần dùng thuốc điều trị, trừ trường hợp bị ngất, nhất là do lao động chân tay nặng.
Huyết áp thấp hậu phát
Thường do một nguyên nhân nào đó gây ra. Bệnh nhân thấy mệt mỏi, thoáng ngất, ngón tay, ngón chân lạnh, có khi tím da. 8 nguyên nhân gây huyết áp thấp hậu phát gồm:
1. Cơ thể suy mòn lâu ngày do ung thư, lao, đái tháo đường, xơ gan.
2. Nhiễm trùng, nhiễm độc kéo dài.
3. Thiếu máu mạn tính: Do giun móc, do các bệnh mạn tính. Hàm lượng hemoglobin thấp. Một ngưòi khoẻ mạnh hàm lượng hemoglobin trong máu ở mức 100 milliters. Ở nam giới hàm lượng này ở mức 13,5 tới 17,5 g/ dl còn ở nữ giới là 11,5 tơi 15,5g/dl. Khi hàm lượng hemoglobin thấp tức là dưới mức 9g/dl sẽ khiến cho lượng oxy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, có thể làm cho cơ thể choáng váng hoa mắt, chóng mặt.
4. Suy tim: thường hạ huyết áp tối đa. Nhịp tim chậm. Nếu nhịp tim đập dưới 60 nhịp trong một phút, sẽ không đủ lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể.
5. Do uống thuốc điều trị huyết áp liều cao hay điều trị kéo dài. Cần kiểm tra huyết áp khi uống thuốc, nhất là loại thuốc methyldopa.
6. Addison: suy vỏ thượng thận, sạm da, người mệt, chóng mỏi các cơ, không làm được các việc gắng sức.
7. Bệnh suy giáp trạng: Do suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp, sẽ có nguy cơ mắc chứng huyết áp thấp, kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc. phù cứng, ấn lõm, mặt béo, môi dày, lưỡi to, các ngón chân, ngón tay cũng mập, chậm chạp, lười suy nghĩ. Huyết áp hạ, mạch nhỏ chậm.
8. Do các bệnh thần kinh: Tabét, rỗng tủy sống...
(Theo esiportal.110mb.com)