Năm 1973 mình học lớp 10, đọc báo Quảng Bình thấy có thông báo cuộc thi thơ của Hội văn nghệ tỉnh, mình chép ba bài gửi đi, chẳng thấy có hồi âm gì, rồi cũng quên khuấy. Hơn năm sau đang học Bách Khoa, một hôm nhận được cái thư thông báo mình được giải ba, sướng ngây ngất con cà cưỡng.
Tháng sau thì nhận được thư chị Dạ ( Lâm Thị Mỹ Dạ), mới thấy ngoài bì đề Lâm Thị Mỹ Dạ đã run lên, không thể ngờ một nhà thơ nổi tiếng như chị Dạ lại gửi thư cho mình. Hồi này chị Dạ nổi như cồn, vừa được giải nhất thơ báo Văn nghệ lại càng nổi, lớp trẻ như mình đứa nào cũng biết một đôi bài thơ của chị.
Cái thư chỉ vài dòng thông báo mình có chùm thơ ba bài in ở tạp chí Văn nghệ Quảng Bình nhưng mình đọc đi đọc lại hàng trăm lần, sướng nhất là câu: “anh em ở Hội khen em lắm”. Có bảy chữ đó thôi mà mình ngắm nghía suốt tuần, thư nhét túi quần, thỉnh thoảng lại đem ra ngắm nghía.
Mấy đứa bạn cùng lớp thấy thư chị Dạ gửi cho mình, trợn mắt há mồm, nói mày quen Lâm Thị Mỹ Dạ à? Mình giả đò tỉnh bơ, nói ờ, chị em quen nhau lâu rồi, cùng làm thơ với nhau mà. Chúng nó phục lăn, nhìn mình đầy ngưỡng mộ, hi hi.
Năm 1976 mình vào Huế thăm chị, lúc đó chị đã lấy anh Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường), vừa sinh con Líp chưa đầy tuổi, mình ở nhà chị cả tuần, hai vợ chồng chị thay nhau đưa mình đi chơi khắp phố Huế, làm quen với anh em văn nghệ, từ đó mình coi anh chị như ruột thịt, anh chị cũng yêu quí mình lắm.
Mấy năm sau chị ra Hà Nội học Viết văn Nguyễn Du, chị em càng gặp nhau luôn, lần nào gặp chị cũng cho tiền, chỉ năm mười đồng thôi nhưng lần nào gặp chị cũng cho, ít có khi nào để cho mình về không. Mỗi lần được chị cho tiền, thể nào mình cũng gọi bạn bè ra quán, vừa đãi chúng nó vừa khoe tiền Lâm Thị Mỹ Dạ cho, chúng nó càng phục lăn.
Khi đó mình nghĩ bụng nhà thơ nhà văn nổi tiếng chắc nhiều nhuận bút lắm, tiền tiêu không hết. Một lần mình đến trường Viết văn Nguyễn Du thăm chị, trước khi về, chị nói chờ chị chút, rồi cầm cái áo len cũ chạy đi, nửa giờ sau chị về cầm trong tay mười bảy đồng, chị đưa mình bảy đồng. Bây giờ mới biết nhà chị nghèo, quá nghèo, đến bây giờ vẫn không khá hơn được bao nhiêu.
Nhưng cái tính chị thương người, hay mủi lòng, gặp ai khổ nghèo chị chịu không nổi, nhất định phải cho người ta cái gì đấy, kể cả khi trong túi chỉ còn vài đồng chị cũng cho, cho xong lại lật đật đi vay người khác.
Hiếm ai chạy đuổi theo ăn xin cho tiền như chị Dạ, đặc biệt ăn xin là trẻ con ông bà già, hễ thấy bóng họ là chị đứng ngẩn ngơ, cứ như chính chị làm cho họ nghèo đói vậy. Rất nhiều lần mình thấy chị le te chạy theo kẻ ăn xin dúi cho họ năm ba đồng, cho được tiền thì mặt mày nhẹ nhõm y như vừa trút được một gánh nặng.
Xem bóng đá, mọi người hò hét ủng hộ đội này đội kia, chị ngồi nhấp nhổm không yên, cứ sợ bóng sút vào lưới. Đội nào bị thủng lưới chị cũng thương. Đang khi người ta nhảy nhót reo hò ủng hộ đội thắng, chị ngồi nhìn đội thua, chép miệng nói tội hè tội hè.
Thành thử trận nào chị cũng mong hòa, kể cả trận chung kết, đang khi mọi người tranh cãi nhau đội nào thắng thì chị xua xua tay, nói không không hòa hòa… hòa kệ (kẻo) tội. Anh Tường nói em hay, đá bóng thì có kẻ thắng người thua, rứa mới vui chớ. Chị ngúng nguẩy xua tay, nói không không hòa hòa.
Chị hai lần được bầu vào BCH Hội nhà văn, họp bình xét kết nạp vào Hội, người nào chị cũng dơ tay đồng ý, nói thôi thôi cho họ vô kệ tội. Hễ ai không được kết nạp, chị thở vô thở ra, nói tội hè tội hè.
Đến cái xe máy chị cũng thương như thương người. Mình chở chị đi chơi, đi được hơn một tiếng chị đòi nghỉ cho bằng được, mình nói chị mệt à, chị nói không, nghỉ cho cái xe nó nghỉ chút kệ tội.
Chuyện chị đi xe máy cũng vui. Chị sợ đi xe máy, qua đến năm 2005 vẫn cứ đi xe đạp, đi đâu gấp lại réo Ngô Minh chạy sang chở đi, động viên mãi chị mới chịu tập xe. Chị ngồi trên xe mắm môi mắm lợi, mặt mày căng thẳng, thấy phía trước có người lại cuống quít hét vang phanh mô rồi, phanh mô rồi.
Chị chỉ đi số 3, tuyệt không biết lên xuống số. Gặp phải dốc cao không lên được là dừng xe, móc điện thoại réo Ngô Minh đến đưa lên dốc. Đang đi gặp người quen, chị nhảy đại xuống y như đang đi xe đạp, cái xe máy cứ thế chạy, lôi chị chạy theo, nhiều khi cả xe cả người ngã chỏng gọng. Chị lồm cồm bò dậy, cuống quít hỏi xe can chi không, xe can chi không. Không phải sợ hỏng xe, thương cái xe ngã đau chị hoảng hốt cuống quít y như trông thấy con mình ngã vậy.
Mười năm anh Tường ngã bệnh, chị tất tả ngược xuôi đưa anh hết vào Nam lại ra Bắc, ai bày có thầy giỏi, thuốc hay ở đâu chị cũng đưa anh đi cho bằng được. Chuyện ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… anh Tường không muốn có người ngoài, một tay chị lo cho anh cả.
Rồi hai đứa con gái, hết đứa này sinh đến đứa khác sinh, rồi bà mẹ già yếu, đau ốm và mất… chị đều lo lắng chu tất. Trời cho chị có cái đức thương người mênh mông chị mới vượt qua được tất cả những chuyện đó.
Đã thương người lại cả tin, thế gian lại lắm kẻ lừa đảo, chị đã nghèo lại nghèo thêm. Có lần mình với chị đang đi bộ dọc vỉa hè, một ông tầm tuổi năm mươi túm lấy tay chị mếu mếu máo, nói chị ơi chị ơi, con gái tôi ốm nặng, sắp chết. Mới nghe đến đó mặt mày chị đã thất thần, nói rứa a rứa a, tội hè tội hè. Rồi có bao nhiêu tiền trong ví đưa cho ông ta cả, mình ngăn mãi không được.
Mình tức, nói chị cũng cả tin quá, mấy cái trò lừa đảo đó chị gặp ba bốn vụ rồi chớ ít đâu. Chị dơ cái ví rỗng ngắm nghía, thở dài nói thì chị biết rồi, nhưng lỡ ông ni tội nghiệp thiệt thì răng.
Cái sự cả tin của chị thật lắm chuyện buồn cười. Ngày còn trẻ chị xinh lắm, Hội nhà văn có ba nữ nhà thơ xinh khét tiếng đó là Xuân Quỳnh, Hồng Ngát và chị, họ đi đâu cũng là đối tượng cho mấy ông nhà văn tán tỉnh trêu chọc.
Chị đi dự trại sáng tác Nha Trang, chiều chiều đám nhà văn rủ nhau ra biển chơi. Có ông nhà văn đeo lấy tán, tán dai quá khiến chị cáu, hất mặt lên nói tui ẻ vô không yêu ai hết a. Ông này giả đò đi thẳng ra biển, nói Dạ không yêu anh thì anh chết đây, rồi cứ thế lội ào ào. Chị hoảng quả, hai tay vẫy vẫy như khoát nước, cuống quít hét ầm lên, nói yêu yêu vô đi vô đi, yêu yêu vô đi vô đi. Mọi người cười rũ.
Hôm mình vô Huê thăm anh chị. Vẫn thấy chị tất tả chạy ngược ngước xuôi, hết dọn nhà đi chợ nấu nướng lại tắm rửa vệ sinh cho anh Tường, lo cho mấy người bạn anh Tường một bữa nhậu, ngồi chép bài cho anh , đọc cho anh một vài chương sách mà anh thích… cứ tưởng chị kiệt sức không cất đầu lên được, nhưng không, chị vẫn nói cười líu lo, thỉnh thoảng vẫn huýt sáo y như ngày xưa chị còn tươi trẻ.
Chị bật máy ghi âm cho mình nghe, khoe mấy bài hát thiếu nhi chị vừa sáng tác. Nhìn chị ngồi say sưa hát theo, mắt long lanh mãn nguyện… mình bỗng nhận ra trời cho chị cả cái đức cả tin nữa, nhìn đời bằng con mắt trong veo khiến chị luôn thấy mình hạnh phúc cho đến tận bây giờ.
Chùm thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
Những bài thơ này rút ra từ tập "Cho anh tựa vào em" do Lâm Thị Mỹ Dạ tự tuyển chọn và xuất bản, trong đó ngoài những bài thơ chị yêu thích nhất còn có những bài chị viết từ thuở mới làm thơ mà nhiều năm qua mới tìm thấy.
ôi Bói sóng
Sóng vỗ vào
- Yêu
Sóng lùi ra
- Không yêu
Thuở nhỏ
Bói hoa
Bây giờ
Bói sóng
Sóng vỗ vào
- Yêu
Sóng lùi ra
- Không yêu
Thuở nhỏ
Bói hoa
Bây giờ
Bói sóng
Trên bãi bờ
Lẻ đơn
Tôi đếm
- Yêu
- Không yêu
Lẻ đơn
Tôi đếm
- Yêu
- Không yêu
Sóng vỗ vào
Sóng lùi ra
Từng đợt
Hỏi trời xa
Ai lấy hết tuổi mình?
Sóng lùi ra
Từng đợt
Hỏi trời xa
Ai lấy hết tuổi mình?
Yêu
- Không yêu
Lẽ thường tình
Sao vô nghĩa
Khi bóng chiều đã ngả
Ta thiếu phụ
Còn ai để gọi
Và còn gì
Để bói
Biển ơi!
Nha Trang, 1996
+ + +
- Không yêu
Lẽ thường tình
Sao vô nghĩa
Khi bóng chiều đã ngả
Ta thiếu phụ
Còn ai để gọi
Và còn gì
Để bói
Biển ơi!
Nha Trang, 1996
+ + +
Nhỏ bé tựa búp bê
Làm sao anh đủ sâu
Cho em soi hết bóng
Làm sao anh đủ rộng
Che mát cho đời em
Làm sao anh đủ cao
Để thấy em cho hết...
Cuộc đời bao nhọc mệt
Cuộc đời bao dịu êm
Người đàn bà bước lên
Người đàn bà lùi lại
Này tôi ơi, có phải
Làm một người đàn bà
Người ta phải nhỏ bé
Nhỏ bé tựa búp bê
Mới dễ dàng hạnh phúc?
+ + +
Làm sao anh đủ sâu
Cho em soi hết bóng
Làm sao anh đủ rộng
Che mát cho đời em
Làm sao anh đủ cao
Để thấy em cho hết...
Cuộc đời bao nhọc mệt
Cuộc đời bao dịu êm
Người đàn bà bước lên
Người đàn bà lùi lại
Này tôi ơi, có phải
Làm một người đàn bà
Người ta phải nhỏ bé
Nhỏ bé tựa búp bê
Mới dễ dàng hạnh phúc?
+ + +
1995
Cho anh tựa vào em
Cuộc đời em đơn thân đến nỗi...
Chưa bao giờ em tựa vào anh
Và vì thế em âm thầm sống
Tựa vào chính mình trĩu nặng, đớn đau
Chưa bao giờ em tựa vào anh
Và vì thế em âm thầm sống
Tựa vào chính mình trĩu nặng, đớn đau
Bao lời tiếng lấm lem bùn đất
Bao đêm trắng tơ giăng chóng mặt
Em tựa vào em - đơn độc quen rồi
Em tựa vào em - gắng vững giữa đời
Bao đêm trắng tơ giăng chóng mặt
Em tựa vào em - đơn độc quen rồi
Em tựa vào em - gắng vững giữa đời
Trên đôi vai bình yên
Mà bão giông nghiêng ngửa!
Em chênh vênh đối mặt chính mình
Nào ai biết, đến anh cùng chẳng biết
Em quằn mình như rễ giữa đất im
Mà bão giông nghiêng ngửa!
Em chênh vênh đối mặt chính mình
Nào ai biết, đến anh cùng chẳng biết
Em quằn mình như rễ giữa đất im
Đời bất chợt thác ghềnh ào trút xuống
Vùi lấp anh - cơn bạo bệnh kinh hoàng
Bạn bè anh rộng nhiều như trời biển
Vực anh lên cho anh lại lòng tin
Vùi lấp anh - cơn bạo bệnh kinh hoàng
Bạn bè anh rộng nhiều như trời biển
Vực anh lên cho anh lại lòng tin
Bàn tay nâng em thành bảo mẫu
Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười
Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng
Giữa tháng ngày trĩu nặng
Em đứng thẳng người
Cho anh tựa vào em
1999
+ + +
Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười
Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng
Giữa tháng ngày trĩu nặng
Em đứng thẳng người
Cho anh tựa vào em
1999
+ + +
Tuổi anh
Một bài thơ viết cho anh
Viết cho một thoáng mong manh tuổi người
Nhẹ rơi kìa hạt sương rơi
Thời gian đếm tuổi gửi vào hư vô
Đời qua nhanh có ai ngờ
Giật mình ngoảnh lại ngẩn ngơ tuổi mình
Thoáng vừa mới đứa trẻ xinh
Theo con diều với bầy chim nô đùa
Vườn xanh dáng mẹ về trưa
Con gà đất gáy cơn mưa bảy màu
Mịt mù trong khoảng bể dâu
Tuổi người một chấm biết đâu kiếm tìm
Chỉ còn đây một trái tim
Trẻ trung nồng ấm của mình cho ta
Không mệt mỏi, chẳng cỗi già
Qua bao tuổi vẫn thiết tha yêu người
Mai kia tóc trắng mây trời
Tuổi anh sâu nặng một đời trong em
Một bài thơ viết cho anh
Viết cho một thoáng mong manh tuổi người
Nhẹ rơi kìa hạt sương rơi
Thời gian đếm tuổi gửi vào hư vô
Đời qua nhanh có ai ngờ
Giật mình ngoảnh lại ngẩn ngơ tuổi mình
Thoáng vừa mới đứa trẻ xinh
Theo con diều với bầy chim nô đùa
Vườn xanh dáng mẹ về trưa
Con gà đất gáy cơn mưa bảy màu
Mịt mù trong khoảng bể dâu
Tuổi người một chấm biết đâu kiếm tìm
Chỉ còn đây một trái tim
Trẻ trung nồng ấm của mình cho ta
Không mệt mỏi, chẳng cỗi già
Qua bao tuổi vẫn thiết tha yêu người
Mai kia tóc trắng mây trời
Tuổi anh sâu nặng một đời trong em