Xin hỏi bác sĩ: bệnh lác có chữa được không và cách điều trị ra sao?
Theo thống kê ở nước ngoài, lác gặp ở 2% nhóm tuổi dưới 3; khoảng 3% trẻ em và người trẻ. Lác có thể có tính di truyền, thường kèm theo các biểu hiện bệnh lý khác ở mắt như nhược thị, tật khúc xạ và cũng có thể kèm theo biểu hiện bệnh lý khác toàn thân.
Đại đa số các trường hợp lác được bố mẹ hoặc bác sĩ nhi khoa phát hiện trước khi đi khám nhãn khoa. Có thể đánh giá thị lực sơ bộ của trẻ bằng các đồ chơi thông thường. Để đánh giá chính xác thị lực, trẻ cần được đưa đến khám tại các trung tâm nhãn khoa.
Những trường hợp gia đình có tiền sử lác, nên đưa trẻ đi khám sớm vào độ tuổi 12 đến 18 tháng. Nhiều trường hợp độ lác rất ít, còn gọi là vi lác, rất khó phát hiện ngay cả khi bác sĩ mắt trẻ em có kinh nghiệm. Đây là một hình thái quan trọng vì nhược thị có thể đi kèm và tình trạng nhược thị chỉ phát hiện được khi kiểm tra thị lực.
Ở trẻ em bị lác mắt, vấn đề quan trọng là cần phải phát hiện và điều trị sớm, như thế mới có thể đem lại kết quả về cả chức năng và thẩm mỹ được.
Điều trị lác bao gồm phức hợp chỉnh quang, chỉnh thị và chỉnh lệch trục nhãn cầu. Chỉnh thị là các phương pháp tập luyện như bịt mắt để thị lực của mắt kém được cải thiện. Chỉnh quang là quá trình điều chỉnh tật khúc xạ, thường là cho đeo kính điều chỉnh. Điều trị chỉnh thị chỉnh quang có thể diễn ra trước và cả sau khi phẫu thuật. Quy trình điều trị nội khoa này có thể mất rất nhiều thời gian và công sức.
Một số ca lác không cần đến phẫu thuật mà chỉ cần điều chỉnh bằng kính và tập luyện. Tuy nhiên, đại đa số các trường hợp lác mắt cần đến phẫu thuật để điều chỉnh lệch trục nhãn cầu.
Phẫu thuật không thể điều trị nhược thị (bệnh này cần đến các phương pháp chỉnh thị chỉnh quang). Muốn đạt được hiệu quả tối ưu trong điều trị lác mắt, cần phải tuân thủ qui trình khám, điều trị và theo dõi theo đúng đặc thù của chuyên ngành lác học.
TS Vũ Thị Thanh Thủy
(Theo Khamchuabenh.com)