Lác mắt (còn gọi là “hiếng”, “lé”) là một dị tật ở mắt do lệch trục nhãn cầu. Tiếc thay, không ít người xem nhẹ dị tật này, coi nó chỉ xấu về mặt thẩm mỹ mà không đi chữa hoặc chậm trễ trong việc chữa trị dẫn đến những hậu quả xấu không thể hồi phục.
Hơi hiếng, có sao đâu!
Chị Thu Hoài (Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện ra con mình bị lác nhờ... bà hàng xóm. Chẳng là chị sinh được đứa con trai đẹp như tranh. Đến năm bé 3 tuổi, một lần bà hàng xóm nhìn chị, nhìn thằng bé, có vẻ đắn đo rồi mãi mới nói: “Cháu cho thằng Bin đi khám đi. Hình như mắt nó có vấn đề. Nếu không nhầm là hiếng đấy!”. Thu xếp công việc, sau 1 tuần chị đưa con đi khám. Kết quả là bà hàng xóm nói đúng. Con chị đã phải hàng ngày đến bệnh viện để tập mắt, phải đeo kính và thường xuyên bị một con mắt còn lại.
Theo TS. Lê Kim Xuân, Phó trưởng khoa Mắt trẻ em, BV Mắt T.Ư, có nhiều nguyên nhân dẫn đến lác nhưng cũng có một số trường hợp là “lác giả”, tức là tưởng là lác nhưng lại không phải (đó chính là lý do một số cháu được đưa đi khám vì cho rằng bị lác, cứ nằng nặc đòi bác sĩ chữa trong khi bác sĩ bảo không cần chữa). Nhưng nhiều cháu đưa đến viện khi đã muộn do người lớn quan niệm lác không nguy hiểm. Chỉ khi con gần như không nhìn thấy gì mới đưa đi khám. Lúc đó, bác sĩ chỉ còn phẫu thuật để giải quyết về mặt thẩm mỹ, còn lác vẫn hoàn lác.
Cần đi khám khi trẻ nhìn ngang, nhìn ngửa
BS Hoàng Cương, phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, BV Mắt T.Ư cho biết: “Lác thực sự thường được phát hiện và chữa trị từ 3 – 6 tuổi. Lác như vậy thường liên quan đến viễn thị số cao. Nếu cận thị mà lệch khúc xạ thì hay gây lác ngoài ở phía bên cận cao.
Một tỷ lệ trẻ bị lác ngay sau khi sinh ra do can thiệp sản khoa khiến một số trẻ bị xuất huyết não, gây liệt dây thần kinh, làm mắt lác. Mắc lác lệch trục thường “mải chơi”, không làm việc. Việc điều trị là để bắt 2 mắt cùng làm việc.
Hiện nay, mắt dưới 2/10 coi là nhược thị. Người chỉ đếm được ngón tay trong phạm vi dưới 2m được coi là mù.
Theo Ts. Lê Kim Xuân, mắt giả là do cấu tạo của mi mắt (thừa da mi trên) hoặc do gốc mũi tệt. Trường hợp mắt giả lác, khi khám thấy nhãn cầu vẫn thẳng, không có dấu hiệu lệch trục. Lác bẩm sinh do viễn thị chỉ đeo kính là khỏi. Lác lâu ngày không được chữa dẫn tới mù.
Trường hợp đến sớm, mắt không có tổn thương thì mới hồi phục được.
Để điều trị mắt lác, trước hết phải chữa cho hết mù. Sau khi hết mù sẽ kéo lại cho thẳng. Khi trẻ sinh ra, cần quan sát. Nếu thấy trẻ nhìn ngang, nhìn ngửa, nhìn không cân bằng thì cần đi khám. Việc nhận biết lác không khó, cái chính là trẻ cần nhận được sự quan tâm của bố mẹ, tránh những trường hợp mù đáng tiếc.
(Theo Dantri.com.vn)