Nhiều em nhỏ vừa mới sinh ra đã mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh. Nếu phát hiện, điều trị muộn, khi lớn lên, dù được thay thủy tinh thể thì thị lực cũng rất kém.
Phát hiện muộn - trẻ mất khả năng nhìn
TS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết Giác Mạc bệnh viện Mắt TƯ, cho biết: "Trẻ bị đục thủy tinh thế (ĐTTT) bẩm sinh rất nguy hiểm. Nếu không phát hiện, điều trị sớm thì khi lớn lên, dù có được mổ ĐTTT thì khả năng nhìn cũng rất kém, do trẻ “không biết nhìn”.
Theo TS Đông lý giải, không phải vừa sinh ra trẻ đã biết nhìn để phân biệt mọi thứ. Mà thị lực của trẻ được hình thành dần từ khi nhỏ đến lúc lớn thông qua quá trình tập nhìn. Vì thế, khi bị ĐTTT, nhất là nếu bị nặng thì mắt trẻ sẽ không được tập nhìn, lâu dần mất phản xạ nhìn sau này. Cũng có những trường hợp, do phát hiện điều trị muộn nên tế bào thị giác không được hoạt động sẽ teo nhỏ, khiến thị lực của trẻ giảm dần.
Vì thế việc phát hiện sớm vô cùng quan trọng để giữ thị lực cho trẻ. Tuy nhiên, do nhiều người quan niệm ĐTTT chỉ gặp ở người già, nên nhiều trường hợp ĐTTT bẩm sinh ở trẻ em đã bị bỏ qua, chỉ được phát hiện một cách tình cờ, nên việc khôi phục thị lực cho trẻ kém hiệu quả hơn với các trường hợp phát hiện sớm.
Tại Việt Nam, các ca ĐTTT bẩm sinh ở trẻ em được đưa tới viện thường do tình cờ được phát hiện, như trường hợp của một bé gái ở Bắc Giang. Khi được 3 tháng tuổi, bé đã được phát hiện bệnh trong một lần tình cờ đi khám bệnh hô hấp. BS đã thử phản ứng mắt thì chỉ thấy mắt trái có phản ứng, đảo theo ánh sáng.
Nhưng vì chủ quan, nên mãi đến 3 tuổi gia đình mới đưa bé tới BV Mắt TƯ để chữa trị. Lúc này, bé đã bị ĐTTT rất nặng, dù được phẫu thuật thay TTT nhưng thị lực của bé cũng chỉ đạt 2/10, gần như không còn nhìn thấy rõ.
May mắn và ý thức hơn là trường hợp con trai chị Lan (Lạng Sơn) đến khi được 4 tháng tuổi cũng tình cờ đã được phát hiện ĐTTT bẩm sinh mắt phải. Gia đình đã đưa ngay bé tới BV Mắt TƯ khám và tại đây, bé đã được phẫu thuật ĐTTT và được thay TTT mới, thị lực của bé hiện rất tốt.
Kiểm tra mắt ngay sau sinh
TS Đông cho rằng, việc kiểm tra mắt trẻ sơ sinh là vô cùng quan trọng. Ở các nước tiên tiến, trẻ sơ sinh đều được bác sĩ chuyên khoa mắt khám để phát hiện bất thường trước khi xuất viện. Vì trẻ em có rất nhiều nguy cơ bệnh về mắt sơ sinh như ĐTTT bẩm sinh, bệnh võng mạc trẻ đẻ non, tắc tuyến lệ...
TS Đông cho biết thêm, bệnh ĐTTT bẩm sinh liên quan chặt đến thời kỳ thai nghén do mẹ bị nhiễm virus. Vì thế, trong quá trình mang thai, nếu có bất cứ vấn đề gì ở thai phụ như sốt, ốm… thì sau khi sinh con, các mẹ càng phải đưa bé đi kiểm tra mắt để loại trừ tổn thương bẩm sinh.
Với trẻ lớn, bệnh dễ nhận biết với biểu hiện con ngươi của mắt bị trắng đục dần. Trẻ có thể nhìn kém, phải nheo mắt khi nhìn lên bảng. Tuy nhiên một số phụ huynh vẫn nhầm tưởng con mình bị cận thị và chỉ đeo kính cận thông thường, nhưng thực sự hiệu quả thị lực thì không được cải thiện.
Còn với trẻ nhỏ, việc phát hiện rất khó, nhất là nếu bé chỉ bị ĐTTT một phần thì càng khó phát hiện. Tuy vậy cha mẹ cũng cần chủ động kiểm tra, quan sát kỹ để kịp thời phát hiện bất thường. Có thể kiểm tra mắt cho trẻ bằng cách chiếu đèn, quan sát đồng tử. Nếu thấy trong đồng tử có ánh trắng thì bắt buộc phải đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt. Cũng nên theo dõi phản xạ nhìn của bé, nếu đến 2-3 tháng tuổi mà bé vẫn chưa biết nhìn theo tay mẹ khi di chuyển đồ vật cũng là dấu hiệu của bất thường.
Khi phát hiện bệnh, cần tuân thủ việc điều trị của bác sĩ. Như nếu bé phải đeo kính thì cần phải cho bé đeo kính thường xuyên, đi khám theo đúng lịch hẹn để chỉnh kính cho bé. Các mẹ cũng không nên quá lo lắng vì được phát hiện sớm, điều trị đúng thì sau phẫu thuật, thị lực của trẻ vẫn rất tốt.
Hiện nay tại BV Mắt TƯ hoàn toàn có thể mổ ĐTTT cho trẻ sơ sinh nhờ các thiết bị hiện đại, giúp trẻ thị lực của trẻ ở mức tốt nhất. Chất lượng của TTT nhân tạo có thể kéo dài đến vài chục năm mới phải thay thế.
(Theo Dantri.com.vn)