Thủy tinh thể là gì? Trẻ em có bị đục thủy tinh thể không, thưa bác sĩ? (Hoàng Thanh Mai - Thái Bình)
Thể tinh thể (TTT) là một thấu kính trong suốt, nằm ở ngay sau đồng tử. TTT có khả năng điều tiết và hội tụ các tia sáng lên võng mạc giúp chúng ta nhìn rõ. Khi TTT bị đục, những tia sáng không thể đi qua được, tùy theo mức độ đục mà nhìn mờ hoặc không nhìn thấy gì. Không chỉ có người già mà trẻ em cũng bị đục TTT.
Nguyên nhân gây đục TTT có nhiều, như bẩm sinh; các bệnh lý về mắt như viêm màng bồ đào, bong võng mạc, u nội nhãn; do chấn thương... Triệu chứng của bệnh là thị lực suy giảm, mắt nhìn không rõ, lóe, quáng gà, nhìn 1 vật thành 2 hoặc 3, ở trẻ sơ sinh còn thấy có hiện tượng rung giật nhãn cầu.
Nếu đục TTT không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây cản trở tới sự phát triển của thị lực. Sau khi được phẫu thuật lấy đục TTT, trẻ cần phải được điều chỉnh quang học cho mắt bằng cách đeo kính hội tụ khoảng +9 đến +12 điốp.
Cha mẹ phải biết cách chăm sóc kính tiếp xúc, cách lắp vào và lấy ra và phải biết phát hiện những dấu hiệu không bình thường để báo cho bác sĩ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng tới đục TTT.
BS. Nguyễn Thu Hiền
(Theo Suckhoedoisong.vn)