Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bạn có thể tự mình xác định mức độ nguy cơ mắc bệnh để có phương thức phòng ngừa thích hợp.
Tập thể dục mỗi ngày là cách phòng bệnh mạch vành hiệu quả
Trước hết, bạn cần kiểm tra các thông tin sau:
- Bạn có hút thuốc lá?
- Bạn có thừa cân? Bạn có thể tự xác định điều này nhờ chỉ số BMI, tính theo công thức CN/CC2 (CN: cân nặng tính bằng kg; CC: chiều cao tính bằng mét). Nếu BMI ≥ 25 là bạn có tình trạng thừa cân.
- Huyết áp của bạn (có thể tự xác định bằng máy đo huyết áp điện tử).
- Bạn có bệnh tiểu đường (đã khám và được chẩn đoán)?
- Lượng cholesterol toàn phần, HDL cholesterol trong máu (làm xét nghiệm máu).
- Tiền căn bệnh tim mạch của người thân trong gia đình.
Bạn nằm trong nhóm nguy cơ thấp mắc bệnh mạch vành nếu có tất cả yếu tố sau:
- Không hút thuốc lá.
- Không thừa cân.
- Huyết áp tâm thu <120 mmHg, huyết áp tâm trương <80 mmHg.
- Không có bệnh tiểu đường.
- Cholesterol toàn phần <200 mg/dl, hdl cholesterol> 40 mg/dL.
- Gia đình không có ai mắc bệnh tim mạch sớm (trước 55 tuổi).
Bạn có nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành nếu có một trong các yếu tố sau:
- Đã được xác định là có bệnh mạch vành hoặc có bệnh lý mạch máu khác.
- Có bệnh tiểu đường type 2.
- Trên 65 tuổi và có ít nhất hai yếu tố nguy cơ nêu trên.
Nếu không ở trong hai nhóm trên, nguy cơ mắc bệnh mạch vành của bạn ở mức trung bình.
* Người trong nhóm nguy cơ thấp cần tiếp tục duy trì lối sống điều độ, lành mạnh, không cần can thiệp gì thêm.
* Nếu bạn ở nhóm nguy cơ cao: cần ý thức hoặc là bạn có nhiều khả năng mắc bệnh mạch vành trong vài năm tới hoặc đã có bệnh mạch vành rồi nhưng chưa biết. Bạn cần khám bác sĩ tim mạch để được kiểm tra và tư vấn nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng chế độ sinh hoạt, lối sống phù hợp, điều trị bằng thuốc nếu cần thiết.
* Nếu ở nhóm nguy cơ trung bình: bạn cần khám bác sĩ để được tư vấn thay đổi lối sống, cải thiện các yếu tố khiến bạn “bị loại” khỏi nhóm nguy cơ thấp (chẳng hạn tập thể dục mỗi ngày, ăn ít chất béo và nhiều chất xơ, bỏ thuốc lá, giảm cân, điều trị tăng mỡ máu, tăng huyết áp...). Ngoài ra, có thể bạn cũng cần làm các xét nghiệm không xâm lấn (chẳng hạn điện tâm đồ gắng sức) để xem có hay không bằng chứng bạn mắc bệnh mạch vành.
BS Ngô Bảo Khoa (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)
(Theo Tuổi trẻ)