Đời sống vật chất thoải mái cùng với sự hỗ trợ của máy móc, thiết bị hiện đại đã khiến nhiều người quên dần thói quen vận động, trong lúc nguy cơ béo phì luôn “rình rập”. Như một hệ quả, những bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp cũng ngày càng tăng trong cộng đồng, gây ra những biến chứng nguy hiểm, trong đó có nhồi máu cơ tim. Vậy nhồi máu cơ tim là gì? Làm thế nào để xử trí nhồi máu cơ tim tại nhà? Dưới đây là ý kiến tư vấn của bác sĩ Đoàn Thái, Trưởng khoa Tim Mạch, Bệnh viện FV
Nhồi máu cơ tim là gì?
Bệnh mạch vành có thể gây nhiều biến chứng, đôi khi là những biến chứng rất nặng nề nếu bệnh nhân không được điều trị. Tùy theo bệnh nặng hay nhẹ, tổn thương mạch vành nhiều hay ít mà biến chứng có thể xuất hiện sớm hay muộn. Nhồi máu cơ tim là biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành. Nhồi máu cơ tim, nghĩa là có một nhánh mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, làm chết một vùng cơ tim mà nhánh mạch máu này nuôi dưỡng.
Làm thế nào để xử lý nhồi máu cơ tim tại nhà?
Với những người bị bệnh mạch vành hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim, nên tuân thủ đều đặn chế độ thuốc mà bác sĩ đã kê đơn để giảm thiểu các triệu chứng cũng như các biến chứng, đồng thời hạn chế các đợt nhồi máu cơ tim tái phát. Thông thường, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân một loại thuốc có tác dụng làm giãn mạch vành sử dụng cấp cứu.
Trong trường hợp bệnh nhân bị lên cơn đau thắt ngực ở nhà thì biện pháp cấp cứu là dùng ngay thuốc giãn mạch vành có tác dụng nhanh như Risordan ngậm dưới lưỡi hay Nitroglycerine xịt dưới lưỡi. Nếu sau 5 phút mà bệnh nhân không bớt đau ngực thì có thể cho ngậm thuốc dưới lưỡi hoặc xịt dưới lưỡi lần 2 và nhanh chóng đưa đến khám bác sĩ để được điều trị ngay.
Nhồi máu cơ tim có thể làm bệnh nhân đột tử, hoặc nếu may mắn qua khỏi đợt nhồi máu cơ tim cấp thì cũng có thể có những di chứng như suy tim, loạn nhịp tim… Vì thế, khi phát hiện nhồi máu cơ tim cấp thì bệnh nhân bắt buộc phải được nhanh chóng đưa vào bệnh viện để điều trị tích cực chứ không được điều trị tại nhà.
(Theo Thanh niên)