Theo số liệu của Trung tâm Mắt TP HCM, 68,5% số trẻ bị lác khởi bệnh lúc dưới 2 tuổi, chỉ có 9% bắt đầu ở tuổi 6-15. Điều trị lác bẩm sinh hiệu quả nhất là lúc trẻ mới bắt đầu lác và trước 2 tuổi. Với các loại lác khác cũng không nên để muộn quá 6 tháng.
Nguyên nhân gây bệnh
Về nguyên nhân gây lác, 40% là do bẩm sinh (xuất hiện từ 0-6 tháng tuổi), 40% do tật khúc xạ và 20% do bệnh lý khác. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hồng, phụ trách phòng khám lác Trung tâm Mắt TP HCM, cho biết: Bệnh viễn thị, nếu không được điều trị, sẽ dẫn đến lác trong (một mắt nhìn lệch vào trong), còn bệnh cận thị không được điều trị có thể gây lác ngoài (một mắt nhìn lệch ra ngoài).
Ba quan niệm sai lầm của các bậc phụ huynh
Sau đây là một số điều mà cha mẹ thường nghĩ đến khi con cái bị lác:
- Lác tuy làm bé "xấu" đi nhưng không gây đau nên không cần điều trị sớm.
- Trẻ nhỏ khó khám và điều trị.
- Nếu điều trị thì phải phẫu thuật, tốn nhiều tiền. Những quan niệm này là hoàn toàn sai lầm.
- Thứ nhất: Điều trị lác bẩm sinh hiệu quả nhất là lúc bệnh mới khởi phát và khi trẻ dưới 2 tuổi. Lác không được điều trị sớm sẽ kéo theo những hậu quả nghiệm trọng.
- Thứ hai: Trẻ nhỏ vẫn có thể khám và điều trị được.
- Thứ ba: Có nhiều phương pháp điều trị, không nhất thiết phải mổ. Ví dụ, nếu nguyên nhân là tật khúc xạ (cận thị, viễn thị) thì chỉ cần cho trẻ đeo kính đúng độ là sẽ hết lác.
Ba nguy cơ khi điều trị muộn
Các nguy cơ đó là:
- Rối loạn cơ vận nhãn.
- Nhược thị (giảm thị lực) mắt lác.
- Mất thị giác 2 mắt (thị giác này cần thiết để nhìn hình nổi và và phân biệt chính xác khoảng cách). Bệnh thường gặp trong trường hợp lác bẩm sinh không được điều trị trước 9 tuổi, gây nhược thị không thể phục hồi. Người mắc bệnh này không thể làm những nghề đòi hỏi sự chính xác cao và hay gặp nguy hiểm khi lái xe.
(Theo Người lao động)