Kết quả xét nghiệm sẽ chỉ ra nồng độ các cholesterol với đơn vị là milligam mỗi decilit máu (mg/dL). Để xác định nồng độ các cholesterol tác động như thế nào lên nguy cơ bị bệnh tim của bạn, bác sĩ cũng sẽ tính dựa trên các yếu tố nguy cơ khác chẳng hạn như tuổi, tiền sử gia đình, hút thuốc lá và huyết áp cao.
Một bảng đánh giá hoàn chỉnh về lipoprotein trong máu lúc đói sẽ cho biết:
Tổng lượng cholesterol trong máu (hay huyết tương)
Nồng độ cholesterol HDL (có lợi)
Nồng độ cholesterol LDL (có hại)
Nồng độ chất béo trung tính
Tổng lượng cholesterol trong máu (hay huyết tương)
Dưới 200 mg/dL: lý tưởng
Nếu nồng độ LDL, HDL và chất béo trung tính đều ở mức lý tưởng và bạn không có bất cứ các yếu tố nguy cơ nào khác bị bệnh tim, với tổng lượng cholesterol máu dưới 200 mg/dL, nguy cơ bị bệnh động mạch vành tim của bạn tương đối thấp.
Tuy nhiên, ngay cả khi ít có nguy cơ, vẫn là sáng suốt nếu ăn theo chế độ khẩu phầu có lợi cho sức khỏe tim, hoạt động thể chất thường xuyên và và tránh hút thuốc lá. Hãy đi kiểm tra nồng độ cholesterol máu 5 năm một lần hoặc theo như khuyến cáo của bác sĩ.
200-239 mg/dL: Giới hạn-Nguy cơ cao
Nếu tổng lượng cholesterol rơi vào khoảng 200 tới 239 mg/dL, bác sĩ sẽ đánh giá nồng độ cholesterol LDL (có hại), cholesterol HDL (có lợi) và các chất béo trung tính. Có thể có tổng lượng cholesterol ở mức cao-giới hạn với nồng độ cholesterol LDL (có hại) ở trị số bình thường cân bằng với nồng độ cholesterol HDL (có lợi) ở mức cao.
Hợp tác với bác sĩ để lập chương trình phòng ngừa và điều trị thích hợp cho bạn. Thực hiện thay đổi lối sống, bao gồm ăn theo khẩu phần có lợi cho sức khỏe tim, hoạt động thể chất thường xuyên và tránh hút thuốc lá. Tùy thuộc vào nồng độ cholesterol LDL (có hại) và các yếu tố nguy cơ khác, có thể bạn cũng cần thuốc. Hỏi bác sĩ bao lâu thì bạn nên đi xét nghiệm lại cholesterol.
Từ 240 mg/dL trở lên: Nguy cơ cao
Người có tổng mức cholesterol từ 240 mg/dL trở lên thường có nguy cơ bị bệnh động mạch vành tim cao gấp hai lần người có trị số cholesterol ở mức lý tưởng (200 mg/dL). Nếu kết quả xét nghiệm không cho ra kết quả nồng độ cholesterol LDL, cholesterol HDL và các chất béo trung tính, bác sĩ sẽ cho y lệnh thực hiện một bộ xét nghiệm máu lúc bụng đói.
Hợp tác với bác sĩ để lập chương trình phòng ngừa và điều trị thích hợp cho bạn. Bạn có cần phải dùng đến các thuốc điều hòa cholesterol hay không, thì vẫn phải thay đổi lối sống, bao gồm ăn theo khẩu phần có lợi cho sức khỏe tim, hoạt động thể chất thường xuyên và tránh hút thuốc lá.
Nồng độ cholesterol HDL (có lợi)
Đối với cholesterol HDL (có lợi), nồng độ càng cao càng tốt. Nồng độ cholesterol HDL thấp (dưới 40 mg/dL đối với nam giới, dưới 50 mg/dL đối với phụ nữ) thì có nguy cơ bị bệnh tim cao. Ở nam giới trung bình, nồng độ HDL dao động trong khoảng từ 40 tới 50 mg/dL. Ở phụ nữ trung bình, nồng độ HDL dao động trong khoảng từ 50 tới 60 mg/dL. Nồng độ cholesterol HDL từ 60 mg/dL trở lên có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh tim.
Hút thuốc lá, dư cân và làm việc ở tư thế ngồi lâu có thể cùng tác động để làm giảm nồng độ cholesterol HDL. Để nâng nồng độ HDL level, và tránh hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý và phải dành ít nhất 30-60 phút hoạt động thể chất nhiều ngày hơn những người không bị nồng độ cholesterol HDL thấp.
Người bị các chất béo trung tính trong máu cao thường cũng bị hạ cholesterol HDL và có nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ cao hơn. Progesterone, anabolic steroids và nội tiết tố sinh dục nam (testosterone) cũng làm hạ nồng độ cholesterol HDL. Nội tiết tố sinh dục nữ làm tăng nồng độ cholesterol HDL.
Nồng độ cholesterol LDL (có hại)
Nồng độ cholesterol LDL càng thấp bao nhiêu thì nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ thấp bấy nhiêu. Trên thực tế, trị số này chỉ ra nguy cơ rõ hơn là tổng lượng cholesterol. Nói chung, nồng độ LDL thuộc ba nhóm sau:
Các nồng độ LDL Cholesterol
Thấp hơn 100 mg/dL Tối ưu
100 đến 129 mg/dL Gần đạt được trị số tối ưu / Trên mức tối ưu
130 đến 159 mg/dL Nồng độ cao giới hạn
160 đến 189 mg/dL Cao
190 mg/dL trở lên Rất cao
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ khác sẽ được căn cứ vào để giúp xác định ngưỡng nồng độ LDL cần phải được điều chỉnh xuống cũng như các biện pháp điều trị phù hợp. Nồng độ LDL được cho là bình thường với bạn có thể là không được coi là bình thường với bạn bè hay người hàng xóm nhà bạn. Hỏi cặn kẽ bác sĩ của bạn về nồng độ và các chọn lựa điều trị để có một chương trình điều trị có hiệu quả cho trong trường hợp của bạn.
Nồng độ chất béo trung tính
Chất béo trung tính là một dạng chất béo. Những người có các chất béo trung tính trong máu cao thường có mức cholesterol toàn phần cao, gồm cholesterol LDL (có hại) cao và cholesterol HDL (có lợi) thấp.
Nồng độ chất béo trung tính được phân vào một trong các nhóm:
Bình thường: Thấp hơn 150 mg/dL
Cao-Giới hạn: 150-199 mg/dL
Cao: 200-499 mg/dL
Rất cao: 500 mg/dL
Đa số người có nồng độ chất béo trung tính cao do dư cân/béo phì, ít hoạt động thể chất, hút thuốc lá,uống rượu quá độ và/hoặc khẩu phần ăn rất nhiều chất bột đường hydrat các-bon (chiếm từ 60% lượng calo trở lên).
Các chất béo trung tính trong máu cao là một yếu tố nguy cơ có liên quan tới lối sống; tuy nhiên, các bệnh lý bên trong hay các rối loạn di truyền cũng có thể là nguyên nhân.
Cách điều trị chính làm hạ nồng độ chất béo trung tính là thay đổi lối sống. Điều này có nghĩa là kiểm soát cân nặng, ăn theo chế độ khẩu phầu có lợi cho sức khỏe tim, hoạt động thể chất thường xuyên, và tránh hút thuốc lá. Hạn chế rượu bia xuống còn khoảng 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và hạn chế nước giải khát và thực phẩm thêm đường.
Đến khám tại cơ sở y tế để xây dựng một chương trình hành động phối hợp toàn diện các thay đổi về lối sống. Đôi khi, thuốc cần được kết hợp thêm với chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe và lối sống lành mạnh.
Nồng độ chất béo trung tính từ 150 mg/dL trở lên là một yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hoá. Hội chứng rối loạn chuyển hóa làm tăng nguy cơ bệnh tim và các rối loạn chuyển hóa khác, kể cả tiểu đường.
(Theo Viamericanheart.convertlanguage.com)